Trước tiên xin nói rõ quan điểm,
tôi đăng ký tham dự chẳng phải vì muốn nổi tiếng. Tôi nhận thức được cái “trình
độ âm nhạc” của mình đến đâu. Thế nên tôi đến với Vòng loại Vietnam Idol đúng
hơn vì tò mò. Nghe cũng nhiều “những lùm xùm” không hay về các show truyền hình
thực tế. Từng thắc mắc rằng khi lên truyền hình, bố cục thì lúc nào cũng thu
hút, hấp dẫn, văn minh thế nhưng nếu bạn có đến số 202 Hoàng Văn Thụ sáng ngày
14/10/2013 mới thấy vỡ mộng vì những “thước phim” xa hoa trên màn ảnh vô tuyến.
Vì bài viết mang quan điểm cá nhân
nên nếu bạn không thích có quyền bấm “Next"
Thần tượng là phải “đa năng”
Có vẻ như làm thần tượng âm nhạc của
một đất nước quả là điều không dễ dàng. Bởi lẽ Idol không chỉ hát hay là một
việc, phải diễn xuất giỏi như diễn viên, phải đẹp như người mẫu, phải kiên nhẫn
như các thầy tu và phải khỏe như các vận động viên thể thao.
7.30 am, nhóm chúng tôi có 4 người
kéo đến khách sạn Tân Sơn Nhất. Trong nhóm có bạn đã tham gia mùa trước, cũng
khá hiểu rõ các thủ tục để thi, thế nhưng việc đầu tiên chúng tôi phải làm là
“diễn xuất” cho clip mở màn cho đầu chương trình. Chiếc máy quay có cần cẩu
treo lên cao lia khắp sảnh khách sạn hơn 1000 người, và chúng tôi phải làm gần
chục lần động tác, chào về phía máy quay hét to : “YEAH!”.
Tôi nói bạn, ở cái xã hội này, việc
bạn làm như thế nào người ta chưa chắc đã được quan tâm bằng việc bạn đẹp xấu
ra sao, ăn mặc thế nào. Trong lúc ngồi đợi lấy số báo danh, có một cơ số bạn thí
sinh được bốc ngẫu hứng để “phỏng vấn lên hình cho đẹp”, và sau đó chúng tôi có
quyền tin rằng nghiễm nhiên họ được chọn vào vòng thử giọng đơn giản chỉ vì
ĐẸP.
Gần 1/3 thí sinh bỏ về trong ngày
thi đầu tiên dễ hiểu vì không đủ kiên nhẫn. Chúng tôi cứ đứng lên ngồi xuống
chỉ để thay đổi “chỗ để xếp hàng”, với cái tiết trời nắng nóng của Sài Gòn sáng
đó, nhiều bạn thật sự bỏ cuộc vì quá mệt mỏi vì đợi chờ,vì khát, vì đói… và
cũng chỉ vì sự phân công bố trí và chuẩn bị của Ban tổ chức “quá kém so với quy
định”.
Còn chuyện Thần tượng “thi điền
kinh” lại là một câu chuyện “hấp dẫn”
khác và cũng không kém phần thảm họa.
Có một sự mất văn hóa không hề nhẹ
Ở những nơi công cộng, văn hóa ứng
xử là một điều không thể thiếu, tiếc thay có nhiều người quên mất. Xuất phát
điểm là sự tổ chức của Ban Tổ chức không khoa học còn về sau đó, câu chuyện của
những con người mang giấc mơ Thần tượng ấy đáp trả bằng những hành vi ngao ngán
toàn tập.
Xếp hàng là một chuyện vô cùng bình
thường nhất là cuộc thi đang diễn ra với hơn ngàn người tham dự như vậy. Thiết
nghĩ sáng đó, BTC nên phát bài hát “Chậm lại một phút” và “Chờ người nơi ấy”
hẳn sẽ rất phù hợp. Chỉ sau phần quay phim mở đầu với hàng ngũ chỉnh tề, thì
những đoạn sau đó đúng là nỗi ám ảnh kinh hoàng lần đầu tiên tôi chứng kiến…
Khi đang chờ để đi đến những đoạn
rào chắn di động cắt ngang khu vực xếp hàng và bàn lấy số báo danh, thì từ phía
sau những đoàn người xô đẩy nhau, giẫm đạp lên nhau chỉ để chen đến đoạn rào
chắn phân cách đó như thể một đợt bạo loạn của công nhân đòi biểu tình. Chưa kể
đến khu vực xếp hàng có rào chắn, có nhiều bạn quá nôn nóng sợ vuột mất giấc mơ
Idol mà tìm các ngõ khác đi tắt để đến nhanh bàn BTC lấy số báo danh mà quên
rằng, phía sau, đoàn người đó, có người chờ, có người đang đợi với cơn nắng oi
ả. Họ bất chấp những người phía trước là ai, và mặc nhiên xô đẩy, và tôi nghe trong
đám đông hỗn loạn đó có người ngất xỉu vì bị chèn ép, khó thở?
Đỉnh điểm của sự ý thức kém đó là
hành vi “Thanh niên nghiêm túc 2013” leo qua các rào chắn bằng sắt để vào. Nam
cũng vậy, nữ cũng vậy, chỉ trừ mấy cô mặc váy ngắn chẳng dám leo qua chứ không
phải là không muốn. Tôi buồn cười, nếu như một trong các bạn đã trèo qua rào
sắt hôm nay nhỡ chẳng may trở thành Thần tượng, khi ấy các bạn và fan của bạn
xem sẽ suy nghĩ như thế nào?
Tuy nhiên tôi phục BTC đã tổ chức
“Vòng thi đấu sức khỏe” để các “Thần tượng âm nhạc” có thể lấn sân sang các bộ
môn điền kinh, vượt rào…
Chưa kể các “Thần tượng” nhà ta còn
“vô tư như người vô gia cư” vì xả đủ loại rác trên mỗi nơi họ đi qua trong quá
trình “xếp hàng” (chữ xếp hàng xin để ngoặc kép vì nó đã bị biến thể khác đi
quá nhiều, mà trong âm nhạc người ta hay gọi là cover).
Những hành vi này tôi để cho các bạn
độc giả nhận xét và không nói gì thêm ngoài 3 chữ Ý-THỨC-KÉM.
Kính thưa tất cả mọi thể loại
thần tượng, văn hóa ở đâu?
Bạn lợi và tôi cũng có lợi
Thí sinh đến thi thì khao khát cháy
bỏng thể hiện mình.
BTC còn thiếu sót trong khâu tổ
chức.
Còn Khách sạn – nơi diễn ra địa điểm
thử giọng mặc nhiên thu lợi theo quy tắc 1 - 1. Lần đầu tiên trong cuộc đời tôi
được uống, và ăn đồ ăn trong một khách sạn nổi tiếng với “bảng giá” vô cùng
nóng bỏng… ví. Một chai nước khoáng bằng giá với một lon Pepsi với số tiền là
20 nghìn đồng. Có lẽ đi khắp nơi trong thành phố này, khó có thể tìm được chai
nước lọc nào với giá tiền như thế. Đồ ăn, bánh mì, cà phê,.. cũng chung mức giá
gần như thế, mà thí sinh không có quyền lựa chọn để đi nơi khác mua, vì sợ mất
chỗ xếp hàng.
Một vấn đề, chúng tôi được bên Quản lí khách
sạn rất “tận tâm”. Họ phục vụ chúng tôi tận nơi trong quá trình chen lấn nhau
xếp hàng. Chỉ việc ai muốn mua thì giơ tay thật cao ra khỏi đoàn người để nhân
viên khách sạn đứng từ trên sảnh cao của khách sạn thấy sẽ “phục vụ” bạn tận
chỗ. Cảnh tượng ấy làm tôi nhớ hồi học cấp 1, giống như mỗi lần muốn xin phép
cô giáo cũng phải làm như vậy, và cảm tưởng như giai cấp tất nhiên là chúng tôi
thấp hơn rất nhiều so với những vị nhân viên kia. Cứ như thời bao cấp giơ tay
xin phát gạo???
Tự hỏi, nhà tài trợ Pepsi có để làm
gì sao không phát nước lúc đó cho Thí sinh mà phải ở tận Lầu 2 khách sạn chờ để
tặng nước cho thí sinh sau khi bước qua cái bàn phát số báo danh – mà hôm nay
đúng thật là Ải Chi Lăng???
Những món đồ ăn, thức ăn với giá
"cắt cổ"
Giấc mơ mang tên mình? Có hay không?
Không giống với các thí sinh khác,
họ tâm lí, áp lực và quyết tâm,… còn tôi thì dửng dưng vì chỉ muốn thu thập đủ
những câu chuyện đời, chuyện nhân tình thế thái cho riêng mình để tự rút ra
những kinh nghiệm sống…
Tôi nghe trong lúc xếp hàng, có
những người thì thầm với nhau vì đam mê họ lặn lội bỏ tiền để mua vé máy bay
vào tận miền Nam chỉ để một lần thỏa mãn cái ước mơ thần tượng.
Không biết có ai thấy hình ảnh người mẹ với
bộ quần áo bạc màu ngồi quạt cho hai đứa con nhỏ trong lúc chờ người thân đi
thi trong niềm mệt mỏi vì đã dãi nắng cả ngày…
Đâu đó, tôi nghe có người nói muốn
trở thành Quán quân Idol chỉ để đổi đời, thoát khỏi kiếp nghèo túng???
Đâu đó và đâu đó? Không biết với
những trường hợp như thế, ai sẽ đặc cách cho họ, đời vốn dĩ không trả cát-xê,
và họ đang bất đắc dĩ trở thành những diễn viên quân chúng? Họ có hay biết?
Hãy sống với ước mơ, nhưng hãy đong
đếm, cân đo cẩn thận về cái giá để trả cho ước mơ đó, vì sống trong một ước mơ
không bao giờ thành sự thật. Có chăng mãi mãi bạn sẽ chẳng là ai giữa đời hiện
tại.
Những gương mặt khắc khoải và mệt
mỏi vì chờ đợi
Những trò lố hay là Truyền hình
thực tế và thí sinh?
Trở lại với “Cuộc bạo động” trong
quá trình xếp hàng, có một điểm bất thường đó là, không có bất cứ dấu hiệu gì ở
đoàn phía trên là sẽ được vào trong hay gì cả, ngay cả tôi và nhóm bạn lúc đó
đứng giữa đều không hay biết, thì từ phía sau có một nhóm người bất ngờ xô đẩy
về phía trước. Và như quy luật dòng chảy, nếu bạn không “chảy” thoe, e là bạn
sẽ trở thành “mặt đường” để lót đường cho các thần tượng bước qua. Tôi không
hiểu nhóm người cố tình xô đẩy đoàn người phía trước là thuộc thế lực nào trong
mớ hỗn độn người đủ thành phần kia? Phải chăng họ cố tình tạo ra cảnh tượng hỗn
chiến nói trên để đuổi về bớt những ai không đủ tiêu chuẩn “sức khỏe”? Và công
tác bố trí sắp xếp thật sự là bài toán không khó, chỉ là họ không làm, đừng bảo
tôi là không có kinh nghiệm, mùa thứ 5 rồi!
Chuyện bi hài về các anh bảo vệ,
với một nhóm vệ sĩ hơn 30 người, thế mà các anh xuất hiện trong những bài báo
trưa hôm đó rất oai nghiêm, đang cố chống đẩy sự dồn ép từ phía thí sinh, nhưng
sự thật các anh ấy cứ vật vờ như các vị thần thánh thoắt ẩn hiện, lúc chen chúc
thì không thấy bóng dáng đâu, những người bùng hàng khì không xử lí gì, nhưng
với các thí sinh xếp hàng theo lối thì lại xua đuổi về họ về. Cứ như thể phải
diễn theo kịch bản như vậy chăng? Chưa kể có một anh không biết địa vị xã hội
như thế nào mà chỉ tay thẳng vào mặt 1 cô bạn của tôi, còn dùng những đại từ
nhân xưng vô cùng chợ búa: “nó, con này”? Vâng, rất “văn mình”!
Và tôi biết, trong một cuộc thi để đảm bảo
tính chuyên môn và hình ảnh, việc ưu tiên những người có học thanh nhạc và
những bạn hot boy, hot girl là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, liệu có công bằng với
những người khác không. Giả sử nếu có tiêu chuẩn chọn lựa thì cũng thay đổi
hình thức tuyển chọn, chứ cứ hô hào khẩu hiệu tuyển chọn công bằng hóa ra chỉ
là ai đó tên Công đi chung với một người tên Bằng? Đến khoảng 5h chiều, những
hàng người bắt đầu thưa dần hầu như bỏ về rất đông, và công tác tuyển chọn
giọng hát dường như sơ sài hẳn so với lúc ban sáng (phải chăng đã đủ diễn viên
chính và diễn viên phụ cùng các vai diễn quần chúng). Những phòng tuyển chọn vô
cùng kì cục, có phòng tuyển chọn một lượt thí sinh chưa quá 5 phút trên 10
người, qua loa, đại khái và hình thức, có phòng giám khảo ngồi nghịch Tablet và
chẳng quan tâm thí sinh hát gì, có phòng thí sinh hát chưa được nửa câu thì bị
đuổi ra dù có người hát rất tốt. Một số bạn, hiểu rõ thực lực của mình thì
không hiểu chuyện gì xảy ra, một số nhân vật hứa hẹn sẽ mang đến thảm họa ở
Vòng thử giọng thì được chọn trong sự bất bình của những giọng hát khác???
Cô gái mặc áo đỏ được chọn thẳng
vào vòng trong ngay từ "Vòng xếp hàng" chỉ vì ăn mặc quá sexy và nổi
bật? Thần tượng đấy!
Thì thôi xem như chuyện kịch mình
chưa bắt đầu, không biết làm sao để các chương trình truyền hình thực tế dừng
hành động “Kinh doanh trên ước mơ” của người khác để cho những “con thiêu thân
ôm giấc mơ làm ngôi sao tỏa sáng” trong đó có những người thân chúng tôi thôi
hy vọng, thôi tin tưởng mà quay về để học tập, phấn đấu và làm việc với con
đường ban đầu của họ.
Làm thần tượng đâu có dễ. Thế
nên, có nhiều tài năng bị bỏ qua trong đáng tiếc chỉ vì hai chữ “lợi nhuận” mà
các Nhà sản xuất muốn hướng đến. Nói như thế không phải để phủ định giấc mơ của
mọi người mà chỉ là hãy biết định lượng để vẽ ước mơ của mình, còn giấc mơ xa
xôi thì vốn không thuộc về mình, hãy bước qua thật nhanh.
Sàn diễn cuộc đời vẫn còn rất
nhiều vai đợi chúng ta, đâu nhất thiết cứ phải ở Vở kịch Truyền hình thực tế…?
0 nhận xét:
Đăng nhận xét