Radio Online - Chưa năm nào kinh tế lại ảm đạm như năm nay, hàng loạt công
ty, doanh nghiệp vừa và nhỏ tuyên bố phá sản, một số công ty lớn sản xuất cầm
chừng. Lạm phát ảnh hưởng đến mọi nhà, mọi người, nhưng người nghèo chịu nặng
nề và cám cảnh hơn cả. Trên từng khuôn mặt công nhân, lao động làm thuê, hằn
lên những nét khắc khổ, lo toan.
Đứng bắt xe bên Quốc lộ 1A, đoạn gần cầu vượt Linh Trung một
công nhân buồn rầu khi được hỏi chuyện
tết nhất. Những năm trước, công việc đều đặn, đến cuối năm lại “được” tăng ca
liên tục, tiền lương, tiền thưởng đều có cả. Không dư giả gì nhưng cũng đủ tiền
lo cái tết đơn giản cho gia đình, vài bộ quần áo cho các con, bố mẹ già. Năm
nay chị thất nghiệp triền miên, ngày làm ngày nghỉ nên chẳng đủ tiền ăn ở, tiền
tàu xe, chi tiêu tết đành phải mượn bạn bè.
Chỉ trong vòng một năm, do công việc không phù hợp, anh Bảo đã
thay đổi chỗ làm ba bốn lần. Ban đầu anh xin vào làm việc ở một lò gạch thủ
công ở Bình Dương. Công việc nặng nhọc, anh lại bị đau cột sống nên sau hai
tháng anh đành xin nghỉ. Đang kiếm việc thì nghe bạn bè nói xuống TPHCM làm
nhàn hạ hơn, lương lại khá cao nên anh xuống. Làm được nửa tháng, công ty tuyên
bố phá sản, đưa cho mỗi người ít tiền mạnh ai tự lo người nấy. Thế là lần thứ
hai anh thất nghiệp. Sau nhiều tháng ăn chực nằm chờ, vừa rồi có nguời quen xin
cho anh vào làm bán hàng đồ gỗ mỹ nghệ ở Bình Dương. Chưa kịp mừng vì có tiền
về tết lo cho vợ con thì đùng một cái chủ cho anh nghỉ việc với lý do nói “rặt”
tiếng quê, khách hàng không hiểu được ???. Mặc dù anh tha thiết xin được ở lại,
sẽ sửa đổi nhưng chủ tiệm không chấp nhận.
Làm công nhân ở Thủ Đức đã ba năm nhưng Tết Quý Tỵ này em
Nguyễn Thị Quỳnh Hương quê Quảng Ngãi mới về quê ăn tết. Cả năm không nghỉ phép
ngày nào nên Hương được công ty cộng dồn lại, cho về quê sớm. “Tiền lương mấy
tháng trước em đã gởi về cho bố mẹ trả lãi ngân hàng rồi, bây giờ còn ít tiền
đủ mua vé xe để về thôi. Năm nay công ty làm ăn bết bát nên chẳng có thưởng
thiếc gì, vài bịch bột ngọt, kẹo bánh làm quà thôi. Hứa với các em mua mấy bộ
quần áo mới mặc tết mà giờ không thực hiện được, thấy áy náy quá” - Hương cho
biết rồi quay mặt giấu đôi mắt đỏ hoe chực khóc. Trường hợp Hương cũng giống
nhiều công nhân nữ chúng tôi gặp ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Nhiều
năm lao động cật lực để có tiền gởi về quê, cuối năm, đa số đều thiếu thốn, khó
khăn, nỗi lòng mang nặng suy tư
Mới tờ mờ sáng nhưng một số xe khách từ các bến TPHCM, Bình
Dương đã xuất phát đón khách. Trong ánh sáng mờ tỏ của đèn đường, vợ chồng anh Thành
quê Quảng Trị ôm đứa con sáu tháng tuổi trong tấm chăn mỏng co ro nép bên vệ
đường bắt xe. Chồng làm phụ hồ, vợ sửa đồ ở vỉa hè, hai vợ chồng tằn tiện cũng
có đồng ra đồng vào. Thế nhưng sinh đứa con đầu lòng, lại đau ốm thường xuyên
nên anh chị trở nên túng thiếu, vay mượn khắp nơi. Chị Mai Thị Huệ (vợ anh
Thành) tâm sự: “Giờ ngoài quê lạnh lắm nhưng cũng phải đưa con về chứ ăn tết ở
thành phố thì lấy tiền đâu. Về quê còn có cha mẹ, anh em, đỡ buồn tủi phần nào.
Tết xong chắc vợ chồng em phải gởi con nhờ ông bà nội chăm sóc rồi vào làm lại,
hy vọng sẽ khá hơn năm nay”. Chiếc xe gầm gừ lấy đà rồi lao vút đi trong màn
đêm.
Trong bối cảnh kinh tế đất nước khó khăn như hiện nay, và dự
báo khó khăn sẽ còn kéo dài thì hơn bao giờ hết, việc đảm bảo an sinh xã hội
cho người nghèo, gia đình chính sách, đặc biệt là chăm lo đời sống cho tầng lớp
công nhân, người lao động làm thuê xa quê cần được chú trọng. Sự sẻ chia, hỗ
trợ của Nhà nước, cộng đồng, tổ chức, cá nhân sẽ đem đến cái tết ấm áp, vui
vầy, an ủi những hoàn cảnh chịu nhiều thiệt thòi trong thời buổi suy thoái, lạm
phát như hiện nay.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét